Rừng cao su trong mùa thay lá ở Gia Lai
Gia Lai là một tỉnh vùng núi Tây Nguyên, nơi đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp quy hoạch trồng rừng cao su. Không những mang lợi ích về kinh tế, mà cánh rừng cao su còn ấn tượng và quyến rũ bởi không gian đẹp kỳ lạ như góc trời châu Âu trong mùa trút lá.
Nằm ở huyện Chư Sê cách Pleiku 40 km về phía Nam, phóng tầm mắt từ hồ Iaring sẽ thấy hàng cao su thẳng tắp rụng lá vàng bên thảm cỏ xanh.
Đi trong cánh rừng cao su vào thời điểm này, bạn sẽ thấy khung cảnh đẹp như một bức tranh với nền trời xanh biếc.
Con đường trải đầy thảm lá rụng, sắc màu của lá xanh ngả sang úa vàng rồi chuyển dần sang màu đỏ rực tạo ra vẻ đẹp khác lạ mà không nơi nào sánh được.
Điểm khác biệt và mang nét đặc trưng của vùng cao su Tây Nguyên so với các nơi khác là mùa đông nhiệt độ khá thấp nên thân cao su có nhiều rêu và địa y sống ký sinh thành từng mảng màu trắng, được ví von như “hàng bạch dương” tuyệt đẹp làm xao lòng du khách.
Vạt rừng cao su bên hồ im lìm, trơ trọi, thân cây thẳng tắp xa ngút ngàn không dấu chân, làm khung cảnh trở nên huyền bí và xa xăm.
Thời điểm cao su thay lá cũng là lúc công nhân ngừng lấy mủ, đây là thời gian các công nhân nông trường chăm sóc cây đợi ngày lấy nhựa vào năm sau. Chính việc rụng lá thường niên, tự phân hủy xung quanh gốc cây, cũng giúp cây cao su có nguồn dinh dưỡng phát triển tươi tốt hơn.
Các vườn cao su không rào chắn, không mất phí tham quan, người dân chân chất không làm khó du khách đến đây chụp ảnh, ngắm nhìn công việc rất đỗi thân quen của họ.
Trải nghiệm với cái hanh hao se lạnh của tiết trời Tây Nguyên chắc chắn sẽ làm cuộc hành trình của du khách thêm nhiều thú vị. Gia Lai sẽ là điểm đến ấn tượng và mang nhiều dư âm cảm xúc khó quên.