Chùa Ngọc Hoàng được một người Hoa tên Lưu Minh theo đạo Minh Sư (tư tưởng phục Minh bài Thanh) cho xây dựng trong 9 năm (1892-1900), trên diện tích 2.300m² để cầu cúng cho việc làm ăn thuận lợi. Năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải Tự.
Chùa có kiến trúc theo kiểu Trung Hoa cổ với bố cục bên ngoài hình chữ Quốc, bên trong hình chữ Tam, bao gồm 3 tòa tiền điện, trung điện và chánh điện. Mái điện lợp ngói âm dương nhiều màu. Họa tiết trang trí bằng gốm màu trên các bờ nóc, góc mái, trên tường... đều được thiết kế tinh xảo và dựa theo các điển tích Trung Hoa. Xung quanh 3 tòa là dãy hành lang tạo không gian kín đáo.
Chùa thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phật cùng các chư vị thần tiên, trong đó có Kim Hoa Thánh Mẫu (thần coi việc sinh nở) cùng 12 bà mụ. Trên 300 tượng thờ ở chùa chủ yếu được làm bằng gỗ, còn lại là giấy bồi. Trong chùa còn có nhiều tranh thờ, bao lam, liễn đối, hương án... bằng gỗ, gốm tinh xảo.
Khoảng sân rộng ở chùa có nhiều cây đa cổ thụ, tiểu cảnh, hồ sen và 2 bể nước chứa đầy cá và rùa. Cá (để cầu tài) và rùa (để cầu tự) đều là của phật tử và du khách mang đến chùa thả vào bể.
Hàng năm, lễ vía Ngọc Hoàng được tổ chức vào ngày 9/1 âm lịch tại chùa thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến chiêm bái, dự hội.
Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994.